Tin tức

 

 

NGÁY VÀ HỘI CHỨNG TẮC NGHẼN NGƯNG THỞ KHI NGỦ

 

Chúng ta giành khoảng 1/3 thời gian cuộc đời để ngủ, ngủ là nhu cầu sinh lý bình thường để cơ thể và thần kinh được nghỉ ngơi , thư giãn… Có nhiều vấn đề rối loạn liên quan trong khi ngủ, như: khó ngủ, mất ngủ, mơ ngủ, ác mộng… một trong những rối loạn thường gặp nhất là ngáy và hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ.

 

1.    Ngáy và hội chứng tắc nghẽn ngừng thở khi ngủ được hiểu như thế nào ?

 

Ngáy đơn giản được hiểu là âm thanh ồn ào được tạo ra từ đường thở trong khi ngủ. Nếu âm thanh ngáy nhỏ, êm dịu, đều đều, không ảnh hưởng đến người xung quanh và giấc ngủ ngon, khi dậy thấy cơ thể khỏe, thoải mái… Ngược lại nếu ngủ ngáy to, có từng cơn tắc nghẽn ngừng thở, kèm rối loạn giấc ngủ, mơ hoảng, ngộp thở và ngẹn cổ không thở được…khi dậy tinh thần và toàn thân mệt mỏi không thoải mái, ban ngày dễ ngủ gật, làm việc khó tập trung, hiệu quả công việc không cao… đây là trường hợp ngủ ngáy bất thường và có thể liên quan tới hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ.

 

2.    Cơ chế nào gây ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ?


Cơ chế chính gây ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ là do bị xẹp đường thở khi ngủ, đặc biệt là vùng hầu – họng thanh quản. Bình thường không khí hít vào và thở ra từ mũi qua họng miệng, họng thanh quản, khí quản tới phổi phải thông suất, bất kì nguyên nhân nào gây hẹp, cản trở sự lưu thông dòng không khí trên đường thở, đều có thể tạo ra tiếng ngáy. Nếu đường thở  bị hẹp nhiều gây nghẽn và xẹp đường thở, sẽ xuất hiện ngáy to và dấu hiệu tắc nghẽn - ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra hội chứng ngưng thở khi ngủ còn do cơ chế thần kinh, có nguồn gốc từ thần kinh trung ương.

 

3.    Những ai thường bị ngáy?


Theo thống kê ở độ tuổi 30, có 20% nam giới và 5% nữ giới bị ngủ ngáy. Nhưng tỷ lệ này tăng theo tuổi, ở độ tuổi 60 có 60% nam giới và 40% nữ giới bị ngủ ngáy. Lý do này được giải thích là do khi lớn tuổi thì niêm mạc, mô mềm vùng hầu, khẩu cái, họng miệng – hạ họng, bị mềm nhão ít đàn hồi nên dễ bị xẹp, gây hẹp , tắc đường thở khi hít vào. Ở người mập tỷ lệ ngủ ngáy tăng gấp 3 lần so với người bình thường, đồng thời những người mập có tỷ lệ hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ tăng gấp nhiều lần, là do cổ ngắn, dư thừa mô, làm hẹp, tắc đường thở, đặc biệt khi nằm ngủ .

4.    Những ai bị hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ?


Hội chứng này gồm: Ngủ ngáy + từng đợt ngưng thở > 10 giây, gặp ở >5% ở người lớn với thể trạng mập, chỉ số cân nặng / chiều cao > 30 (BMI > 27), cổ ngắn + chu vi vòng cổ > 37cm. những bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp... Bệnh nhân có những vấn đề liên quan tới hẹp + tắc nghẽn đường hô hấp trên như: vẹo vách ngăn, nghẹt mũi do cuốn mũi phì địa, amidan quá phát, lưỡi và mô mềm đáy lưỡi quá dầy, màn hầu chùng, lưỡi gà dài, hẹp eo họng và một số bệnh lý dị dạng bất thường hàm mặt.
Ở trẻ em thường liên quan đến nguyên nhân viêm VA, amidan quá phát, béo phì hoặc có bất thường phát triển vùng hàm - mặt, sọ mặt…

 

5.    Ngáy - hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ có ảnh hưởng và biến chứng gì ?


-    Ngáy to gây ồn ào, ảnh hưởng tới người xung quanh, làm người khác khó ngủ và bực bội.
-    Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: giấc ngủ không ngon, sáng dậy mệt mỏi, khô họng, nhức đầu, nặng đầu vùng gáy, làm việc không hiệu quả, khó tập trung, buồn ngủ và ngủ gật ban ngày, nguy hiểm, dễ gây tai nạn khi lái xe và vận hành máy móc…
-    Ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ kéo dài gây bệnh tim mạch, cao huyết áp, tăng áp lực tuần hoàn phổi dẫn tới suy tim phải,  xơ phổi, tắc nghẽn phổi và suy hô hấp...
-    Giảm hoạt động, giảm khả năng tình dục.
-    Đặc biệt ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, ngáy – tắc nghẽn ngừng thở khi ngủ kéo dài, do phải há miệng để thở gây ảnh hưởng đến sự phát triển vùng hàm mặt, gây lệch khớp cắn, hô hàm, mũi tẹt …
-    Tắc nghẽn gây thiếu oxy não, rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên giấc, mơ hoảng, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, tinh thần và một số bệnh lý rối loạn tâm lý khác…

  

6.    Khi nghi ngờ bị hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ cần phải làm gì?


Cần tự đánh giá, trả lời các câu hỏi sau; nếu có thì cần phải đi khám để chẩn đoán xác định.
-    Có khi nào chính tiếng ngáy của bạn làm bạn thức giấc không?
-    Có thức giấc thình lình và thở gấp như vừa bị ngộp , hụp hơi không?
-    Thành viên trong gia đình có than phiền về tiếng ngáy của bạn quá to không?
-    Người chung giường, chung phòng có nói bạn có từng đợi ngưng thở khi ngủ không?
-    Bạn có thấy khỏe, khoan khoái sau mỗi buổi sáng thức dậy không?
-    Bạn có buồn ngủ, ngủ gật khi làm việc ban ngày không?
-    Bạn có nhức đầu vào mỗi buổi sáng thức dậy không?
Nếu có những dấu hiệu trên, rất có thể bạn bị hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ.


7.    Khi bệnh nhân bị hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ thì cần phải làm gì?


Cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc bác sĩ chuyên gia về ngủ ngáy để:

- Đánh giá tổng quát thể trạng, cân nặng – chiều cao, BMI? Độ lớn của vòng cổ…
- Phát hiện một số bệnh lý kèm theo: tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường …
- Các bệnh lý vùng Mũi – Họng – Miệng – Thanh quản và Hàm mặt…Trẻ em thường gặp nhất là do VA và amidan viêm quá phát.
- Thăm khám và phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng liên quan tới ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, cần thiết làm các test chuyên sâu như đa kí giấc ngủ (PSG: Polysomnography) để chẩn đoán xác định nguyên nhân và mức độ tắc nghẽn – ngưng thở.

8.    Chẩn đoán ngáy và hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ như thế nào?


-    Trong điều kiện hiện tại, đa số bệnh nhân nghi ngờ có hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ được khám bới bs chuyên khoa TMH và bác sĩ chuyên gia về ngủ ngáy. Khám tổng quát hỏi bệnh sử liên quan với thang điểm ngủ ngáy (ví dụ: Epworth Sleepiness Scale) và khám nội soi TMH để tìm nguyên nhân. Vì đa số các trường hợp ngáy – ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn ngoại biên, nguyên nhân từ Mũi – Họng – Màn hầu , VA và amidan, và những bất thường về hàm mặt khác …
-    Trong điều kiện lý tưởng, tốt nhất là thực hiện đa ký giấc ngủ hay còn gọi là đo đa chức năng khi ngủ (Polysomnography) gồm đo đa kênh liên tục trong 1 đêm:
-    Điện não đồ (EEG)
-    Điện cơ kí (EMG)
-    Điện động mắt (EOG)
-    Điện tâm đồ (ECG)
-    Đo nồng độ O2 bão hòa trong máu (SPO2)
-    Đo lưu lượng khí thở qua Mũi, Miệng
-    Đo đánh giá thở  gắng sức thông qua chuyển động của ngực, bụng
-    Đo áp lực không khí thở qua mũi
-    Đo cường độ âm ngáy...
-    Đa ký giấc ngủ là test đầy đủ chi tiết cho phép đánh giá chính xác, chi tiết nguyên nhân và mức độ của Ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ và những rối loạn giấc ngủ kèm theo.
Mức độ tắc nghẽn – ngưng thở được chia thành 3 độ dựa vào số lượng cơn ngưng thở - giảm thông khí + giảm SPO2 trong 1 giờ hay AHI (Apnea Hypoonea Index)
-    Bình thường: AHI < 5 / giờ
-    Nhẹ: AHI từ 5 – 14 / giờ
-    Trung bình: AHI từ 15 – 30 / giờ
-    Nặng: AHI > 30 /giờ
-    Đa kí giấc ngủ (PSG) cho phép xác định nguyên nhân gây tắc nghẽn ngưng thở.
. Nguyên nhân do tắc nghẽn ngoại biên hay OSA (Obstructive Sleep Apnea)
. Nguyên nhân do trung ương, liên quan tới não và thần kinh trung khu hô hấp.
. Nguyên nhân hỗn hợp ngoại biên + trung ương
-    Dựa vào kết quả có được của đa kí giấc ngủ sẽ chọn phương pháp điều trị thích hợp theo nguyên nhân.
Ở Việt Nam hiện nay có nhiều bệnh viện đã trang bị máy đa kí giấc ngủ để chẩn đoán ngáy – tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ và các rối loạn giấc ngủ. Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn là một trong những nơi tiên phong trong lãnh vực đa kí giấc ngủ này, với máy Sapphire PSG – Wireless Polysomnograph, hãng Clevemed của Mỹ với 22 kênh đo, cho phép chẩn đoán đầy đủ chi tiết Ngáy – tắc nghẽn ngưng thở và các rối loạn giấc ngủ khác.
Để thực hiện đa kí giấc ngủ giấc ngủ bệnh nhân phải ở bệnh viện ngủ lại 1 đêm, tất cả các thông số về giấc ngủ, ngáy và tắc nghẽn ngưng thở…đều Computer ghi lại và phân tích. Ngoài ra cũng có một số loại máy đơn giản, ít kênh hơn người bệnh có thể mang về đo tại nhà vào ban đêm.


9.    Điều trị ngáy – hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ như thế nào?


Điều trị theo nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ, dựa vào kết quả phân tích của đa kí giấc ngủ (Polysomnography):


-    Nhẹ: Hướng dẫn giáo dục bệnh nhân tập thể dục đều đặn, thay đổi lối sống sinh hoạt, ăn uống điều độ, giảm rượu bia, thuốc lá, điều trị chống trào ngược, hạn chế dùng thuốc ngủ, và đặc biệt phải giảm cân để tạo cho cơ thể cân đối cân nặng và chiều cao thích hợp (BMI: 18 – 24).
Khám sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh lý nội khoa nếu có như: bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, bệnh lý về chuyển hóa, bệnh tiểu đường…bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản.
Hướng dẫn bệnh nhân thay đổi chọn tư thế nằm khi ngủ phù hợp để giảm ngáy.


-    Nặng: Khi các biện pháp trên không hiệu quả.
•    Hỗ trợ thở máy tạo áp lực dương liên tục khi ngủ, gọi là thở CPAP, mục đích tạo áp lực dương trong đường thở, chống xẹp đường thở gây tắc nghẽn khi ngủ. thở CPAP rất hiệu quả trên bệnh nhân với hội chứng ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân thần kinh trung ương.
•    Trong trường hợp tìm được nguyên nhân tắc nghẽn ngoại biên đường hô hấp trên thì xử trí bằng phẫu thuật can thiệp dựa theo nguyên nhân.
•    Mũi: Cắt cuốn mũi , chỉnh hình vách ngăn. Nạo VA.
•    Phẫu thuật chỉnh hình màn hầu, chỉnh hình lưỡi gà, cắt amidan… (UPPP: Uvulopalatopharyngoplasty) đây là loại phẫu thuật thường được áp dụng và mang lại hiệu quả cao, trên bệnh nhân ngáy – tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân tắc nghẽn ngoại biên ở vùng hầu – họng.
•    Nếu dolưỡi to – dư mô đáy lưỡi: phẫu thuật cắt đốt làm giảm thể tích đáy lưỡi.
•    Dị dạng bất thường hàm mặt: phẫu thuật chỉnh hàm, mang dụng cụ chống tụt lưỡi.
•    Đặc biệt ở trẻ em, cắt amidan và nạo VA mang lại hiệu quả trong tắc nghẽn đường thở và ngủ ngáy.

  

10.    Lời khuyên cho người ngủ ngáy và hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ:


-    Tạo cuộc sống lành mạnh khỏe cả về tinh thần và thể chất.
-    Thể dục đều đặn, giảm sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, hạn chế dùng thuốc ngủ.
-    Chế độ ăn phù hợp để giữ trọng lượng cơ thể phù hợp , chống béo phì.
-    Chống bệnh lý trào ngược, dạ dày thực quản.
-    Điều trị viêm mũi dị ứng chống nghẹt mũi.
-    Khi có ngáy và nghi ngờ có hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ cần đi khám bác sĩ TMH hay bác sĩ chuyên gia về ngủ ngáy  để được khám nội soi TMH và đánh giá tổng quát. Trong trường hợp cần thiết thì cần làm đa ký giấc ngủ (PSG: Polysomnography) để chẩn đoán chính xác, tìm nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân.